Hướng Dẫn Học Nguyên Lý Kế Toán Hiệu Quả Cho Sinh Viên Kinh Tế
Nguyên lý kế toán là một trong những môn học quan trọng, nền tảng đối với sinh viên kinh tế. Tuy nhiên, nhiều sinh viên thường gặp khó khăn khi tiếp cận môn học này do tính chất khô khan và sự phức tạp của các khái niệm. Trong bài viết này, Sinh viên kinh tế HCM sẽ hướng dẫn bạn cách Học Nguyên Lý Kế Toán Hiệu Quả, giúp việc nắm bắt kiến thức trở nên dễ dàng hơn và ứng dụng thành công vào các bài tập thực hành cũng như trong công việc sau này.
I. Nguyên Lý Kế Toán Là Gì? Tại Sao Học Nguyên Lý Kế Toán Lại Quan Trọng?
Nguyên lý kế toán là một môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức căn bản về các nguyên tắc cốt lõi của kế toán. Đồng thời, môn này giúp tìm hiểu về chu trình kế toán thường áp dụng trong các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại.
Là một môn học nền tảng trong các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh và một số ngành kinh tế liên quan khác, nguyên lý kế toán giúp người học nắm vững các nguyên tắc cơ bản để hiểu và vận hành quy trình kinh doanh, hoặc phát triển phần mềm phục vụ cho công tác kế toán trong doanh nghiệp.
>>> Tham khảo: Lộ Trình Học Kế Toán Từ Con Số 0 - Chia Sẻ Từ Chuyên Gia
II. Những Khó Khăn Thường Gặp Khi Học Nguyên Lý Kế Toán
Khối lượng lý thuyết nhiều và khó nhớ: Các khái niệm, nguyên tắc, hệ thống tài khoản.
Áp lực bài tập và kiểm tra: Sinh viên thường gặp khó khăn trong việc xử lý các bài tập tính toán hoặc có nhiều nghiệp vụ kế toán phức tạp.
Tính chất khô khan và lý thuyết: Học nguyên lý kế toán có thể gây cảm giác khô khan đối với nhiều sinh viên, đặc biệt là những người không quen với việc làm việc với số liệu và công thức. Việc học lý thuyết mà chưa hiểu được ứng dụng thực tiễn có thể khiến sinh viên nhanh chóng mất hứng thú.
Phải ghi nhớ nhiều nguyên tắc và chuẩn mực: Hệ thống kế toán có nhiều chuẩn mực và nguyên tắc phải tuân theo, từ việc ghi nhận các giao dịch đến việc lập báo cáo tài chính. Sinh viên thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và áp dụng chính xác các quy tắc này khi làm bài tập và trong các bài kiểm tra.
Thiếu trải nghiệm thực tiễn: Sinh viên thường khó hiểu nguyên lý kế toán vì thiếu cơ hội trải nghiệm thực tế. Những kiến thức học trong sách vở đôi khi khó áp dụng vào các tình huống thực tế mà doanh nghiệp gặp phải, dẫn đến việc hiểu sai các nghiệp vụ kế toán
III. Hướng Dẫn Học Nguyên Lý Kế Toán Hiệu Quả Cho Sinh Viên Kinh Tế
1. Lập kế hoạch học tập hợp lý - bước đầu tiên và quan trọng nhất
Trước khi bắt đầu học môn nguyên lý kế toán hay bất kỳ môn học nào khác, việc lên kế hoạch học tập cụ thể là bước cần thiết. Bạn nên phân chia thời gian học sao cho phù hợp với lịch cá nhân, đồng thời ưu tiên học những phần kiến thức cơ bản trước khi tiếp cận các nội dung phức tạp.
Một kế hoạch học tập khoa học không chỉ giúp bạn học tập hiệu quả hơn mà còn giúp bạn duy trì sự tập trung và tinh thần kỷ luật. Bắt đầu từ những điều đơn giản và phát triển lên sẽ giúp bạn nắm vững kiến thức mà không cảm thấy quá tải.
2. Ghi nhớ Hệ thống tài khoản kế toán – điều không thể bỏ qua
Việc ghi nhớ hệ thống tài khoản kế toán có thể là thách thức lớn với nhiều người. Tuy nhiên, việc này rất cần thiết để trở thành một kế toán chuyên nghiệp. Nếu bạn chỉ học tạm thời và tra cứu khi cần, sẽ mất rất nhiều thời gian và thiếu tính chủ động.
Để ghi nhớ dễ dàng hơn, bạn có thể bắt đầu bằng cách học cấu trúc của các tài khoản, nắm rõ những tài khoản chính và cách chúng được sử dụng. Việc liên kết các tài khoản có cùng chủ đề cũng là một phương pháp ghi nhớ hiệu quả.
3. Thực hành nhiều bài tập định khoản
Thay vì chỉ đọc lại lý thuyết, việc làm bài tập từ nhiều nguồn khác nhau sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về cách định khoản các nghiệp vụ tài chính. Thực hành là cách tốt nhất để củng cố kiến thức, và bạn có thể tự nghĩ ra các tình huống thực tế để thực hành định khoản.
4. Tự thiết kế các mẫu sổ và bảng kế toán
Thay vì phụ thuộc vào các mẫu sẵn có, bạn nên thử tự vẽ lại hoặc thiết kế các mẫu sổ, bảng kế toán từ trí nhớ. Điều này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về các nghiệp vụ mà còn giúp ghi nhớ cấu trúc của các biểu mẫu, có lợi cho công việc sau này.
5. Học nhóm – phương pháp hiệu quả và bền vững
Học nhóm luôn là phương pháp hiệu quả trong việc trao đổi kiến thức. Khi học cùng nhau, bạn sẽ có cơ hội phản biện, chia sẻ và củng cố những gì đã học. Điều quan trọng là phải tham gia tích cực, đưa ra quan điểm cá nhân và không nên thụ động chờ đợi sự hướng dẫn từ người khác.
6. Sự kiên trì, tỉ mỉ và chăm chỉ là yếu tố then chốt để thành công
Học nguyên lý kế toán đòi hỏi người học phải tỉ mỉ và kiên trì. Không cần đến sự sáng tạo như ở một số môn học khác, kế toán yêu cầu bạn tập trung rèn luyện kỹ năng chú ý đến từng chi tiết nhỏ để tránh các sai lầm không đáng có. Việc kiên trì ôn luyện từ những khái niệm cơ bản sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc, tạo đà cho việc nắm vững các nghiệp vụ kế toán phức tạp hơn trong quá trình học tập và làm việc sau này.
>>> Tham khảo: Học kế toán ở đâu tốt TPHCM
IV. Một Số Lưu Ý Khi Học Nguyên Lý Kế Toán
- Mẹo ghi nhớ tài khoản theo các đầu tài khoản:
Tài khoản đầu 1: TK tài sản ngắn hạn
Tài khoản đầu 2: TK tài sản dài hạn
Tài khoản đầu 3: TK nợ phải trả
Tài khoản đầu 4: TK nguồn vốn chủ sở hữu
Tài khoản đầu 5: TK doanh thu
Tài khoản đầu 6: TK chi phí sản xuất kinh doanh
Tài khoản đầu 7: 711 là TK thu nhập khác
Tài khoản đầu 8: 811 là TK chi phí khác
Tài khoản đầu 9: 911 là TK xác định kết quả kinh doanh
Tài khoản đầu 0: Từ 001 đến 007 là TK ngoài bảng.
- Chú ý 4 loại tài khoản chính:
Tài khoản tài sản có đầu là 1 và 2: Tăng ghi “Nợ”, Giảm ghi “Có”
Tài khoản nguồn vốn có đầu là 3 và 4: Giảm ghi “Nợ”, Tăng ghi “Có”
Tài khoản doanh thu có đầu là 5 và 7: Giảm ghi “Nợ”, Tăng ghi “Có”
Tài khoản chi phí có đầu là 6 và 8: Tăng ghi “Nợ”, Giảm ghi “Có”
- Các bước khi định khoản nghiệp vụ kế toán gồm:
Xác định các tài khoản liên quan đến nghiệp vụ phát sinh sau đó xem xét xu hướng biến động của từng đối tượng kế toán (có thể tăng hoặc giảm)
Xác định tài khoản ghi “Nợ”, tài khoản ghi “Có”
Xác định khoản tiền cụ thể vào từng tài khoản
- Các nguyên tắc định khoản
Ghi “Nợ” trước – ghi “Có” sau
Nghiệp vụ tăng ghi 1 bên, nghiệp vụ giảm ghi 1 bên
Tổng giá trị ghi “Nợ” bằng tổng giá trị ghi “Có”
Tổng tài sản luôn bằng tổng số vốn, tài sản tăng thì số vốn cũng tăng và ngược lại, số vốn tăng thì tài sản cũng phải tăng
Số dư cuối kỳ = Số dư đầu kỳ + Phát sinh tăng trong kỳ – Phát sinh giảm trong kỳ
Học nguyên lý kế toán không chỉ là một phần quan trọng trong chương trình học của sinh viên kinh tế mà còn là nền tảng vững chắc giúp sinh viên áp dụng hiệu quả vào thực tế công việc sau này. Hy vọng bài viết Hướng Dẫn Học Nguyên Lý Kế Toán Hiệu Quả Cho Sinh Viên Kinh Tế trên của Sinh viên Kinh tế HCM đã giúp ích cho bạn trong quá trình học Nguyên lý kế toán.
>>> Xem thêm: [REVIEW] Sự Thật Về Khóa Học Kế Toán Tổng Hợp, Học Ở Đâu Tốt?